Vừa qua, chúng ta đã chứng kiến lễ khánh thành tòa nhà chọc trời cao thứ nhì thế giới, sự kiện mở cửa trở lại của Nhà thờ Đức Bà và hàng loạt sự ra mắt của những siêu dự án đô thị đầy tham vọng. Song song với xu thế hoành tráng đó, giới kiến trúc đang ngày càng dành nhiều quan tâm tới giá trị của những công trình khiêm tốn hơn.
Có thể nói dù năm 2025 vẫn sẽ là năm của các dự án hạ tầng quy mô lớn và những kỳ quan kiến trúc, nhưng những thiết kế quy mô nhỏ, đặc biệt là những công trình thực sự đem lại giá trị bảo vệ môi trường, chắc chắn sẽ có cơ hội tỏa sáng trên sân khấu toàn cầu. Từ những ngôi nhà sáng tạo từ gỗ đến một trong những sân bay lớn nhất châu Á, 11 dự án dưới đây hứa hẹn sẽ gây nhiều chú ý trong năm 2025.
Chợ cá tại Sydney - New Sydney Fish Market
Diện mạo mới của Chợ Cá Sydney nằm trên Vịnh Blackwattle.
Hơn tám năm sau khi chính phủ New South Wales công bố kế hoạch di dời chợ cá của Sydney — vốn được thành lập từ những năm 1870. Chợ cá mới tọa lạc tại một khu đất rộng 3,6 hecta.
Được thiết kế bởi kiến trúc sư 3XN và công ty BVN của Australia (với lời hứa mang đến cho du khách một "trải nghiệm đầy đủ cảm quan với chợ cá"), công trình cải tạo này cân bằng giữa cơ sở hạ tầng phục vụ khách du lịch và những hoạt động thương mại thiết yếu của một chợ cá bán buôn. Các hoạt động logistics và vận hành được đặt dưới tầng hầm, trong khi các tầng trên là sảnh chợ dành cho khách tham quan và một hội trường đấu giá, nơi các nhà hàng và nhãn hàng đấu giá những mẻ cá tươi khi chúng được nhập vào từ các bến tàu.
Dự án giúp tái sinh một khu vực công nghiệp ven cảng, gồm các cửa hiệu, nhà hàng, một con đường ven biển và một công viên đô thị. Đặc biệt, hệ mái của công trình được lợp bằng 350 tấm pin mặt trời hình tam giác.
Grand Ring, Osaka
The Grand Ring sẽ là mái nhà và trung tâm nơi diễn ra Triển lãm thế giới Expo 25
Từ tháng 4 đến tháng 10 năm 2025, thành phố Osaka, Nhật Bản dự kiến sẽ đón khoảng 28 triệu du khách đến tham quan Triển lãm Expo 2025, với sự tham gia của khoảng 40 quốc gia cùng các gian hàng riêng biệt. Điểm nhấn lớn nhất của triển lãm lần này chính là chính địa điểm tổ chức: The Grand Ring, một cấu trúc vòng tròn liên tục bằng gỗ, có chu vi kéo dài hơn 1,2 dặm, sẽ đưa du khách đi quanh khuôn viên cực kỳ rộng lớn.
Các công trình tại triển lãm thường phản ánh triết lý thiết kế của nước chủ nhà. Khi Osaka lần đầu tiên đăng cai Expo vào năm 1970, thành phố đã xây dựng một mái vòm khổng lồ, do những kiến trúc sư tiên phong nổi tiếng của Nhật Bản thời đó thiết kế. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, khi các công trình bằng gỗ trở thành một giải pháp thay thế cho bê tông có hàm lượng carbon cao, The Grand Ring, thiết kế bởi kiến trúc sư Sou Fujimoto, là một minh chứng rõ nét về cách tiếp cận đặc trưng của Nhật Bản trước xu hướng toàn cầu này.
Sử dụng gỗ tuyết tùng và gỗ bách bản địa (cùng với gỗ thông Scotland), kiến trúc sư kết hợp các phương pháp xây dựng hiện đại với các khớp gỗ truyền thống thường thấy trong các đền chùa Nhật Bản. Với diện tích gần 60.000m2, công trình này sẽ là một trong những tòa nhà bằng gỗ lớn nhất thế giới. Vì được xây dựng dưới dạng công trình phục vụ tạm thời, vẫn xuất hiện nhiều tranh luận về việc liệu công trình này sẽ có được, và nên được bảo tồn như thế nào.
Trụ sở viện nghiên cứu Life and Mind, Oxford
Trung tâm nghiên cứu The Life and Mind là dự án xây dựng lớn nhất trong lịch sử của Đại học Oxford.
Đại học Oxford tại Anh dù đã rất nổi tiếng với kiến trúc gothic hoành tráng nhưng cũng đồng thời sở hữu một loạt các công trình hiện đại đang không ngừng phát triển, phân bố trải khắp thành phố. Mới đây, một công trình mới với diện tích 25.000m2 đã hoàn thành, với chức năng là viện nghiên cứu về khoa học thần kinh và tâm lý. Công trình này đánh dấu dự án xây dựng lớn nhất trong lịch sử nhiều thế kỷ của trường.
Các nguyên lý thiết kế của Tòa nhà Life and Mind phản ánh một triết lý học thuật: việc kết hợp các khoa Tâm lý học Thực nghiệm và Sinh học dưới cùng một mái nhà sẽ khuyến khích sự hợp tác và giao lưu nhiều hơn giữa các khoa. Bên trong, các không gian phòng thí nghiệm linh hoạt đáp ứng nhu cầu của các ngành học khác nhau và một quảng trường công cộng sẽ đem đến không gian diễn ra sự giao lưu, kết nối thực sự.
Mặc dù có nhiều yếu tố hiện đại, công ty kiến trúc Mỹ NBBJ, đơn vị thiết kế dự án, vẫn tôn vinh di sản kiến trúc của trường qua các mặt tiền đá và các trụ đỡ vươn ra, tạo ra một diện mạo "trường tồn và dễ nhận diện".
Trường học Canadian School, Cholula, Mexico
Núi lửa Popocatépetl nhìn từ mái nhà bậc thang của Trường.
Kiến trúc hữu cơ thường được ca ngợi vì khả năng hòa mình vào cảnh quan xung quanh, thậm chí có thể biến mất hoàn toàn, để lại rất ít dấu tích ở khu vực xây dựng. Minh chứng về kiến trúc hữu cơ rõ nét nhất trong số các công trình mới khai trương năm nay là công trình Trường Canada tại Cholula, Mexico, do công ty kiến trúc Sordo Madaleno thiết kế.
Khuôn viên yên bình của trường lấy cảm hứng từ địa hình của khu vực — đặc biệt là từ một kim tự tháp thời Tây Ban Nha gần đó và núi lửa Popocatépetl, tạo nên một bức tranh cảnh quan hùng vĩ. Trường được bố trí xung quanh bảy cấu trúc hình tròn, mang dáng dấp những ngọn đồi chồng chéo lên nhau, với các bề mặt bậc thang phủ kín bởi không gian xanh để học sinh tự do khám phá.
Sân bay Techo International Airport, Phnom Penh, Campuchia
Sân bay Techo International Airport, Phnom Penh, Campuchia.
Campuchia đang thay thế sân bay quốc tế của thủ đô Phnom Penh bằng một sân bay mới với sức phục vụ gấp 6 lần số lượng du khách. Là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng của quốc gia nhằm tăng trưởng du lịch và trở thành một trung tâm hàng không của khu vực, sân bay quốc tế Techo mới sẽ có công suất ban đầu là 13 triệu hành khách mỗi năm và sau này sẽ đạt tới 30 triệu.
Tòa nhà ga sân bay, nằm cách trung tâm thành phố 12 dặm về phía Nam, sẽ là một trong những trung tâm nhà ga lớn nhất Đông Nam Á. Các kế hoạch phát điện từ một trang trại điện mặt trời đặt trong khuôn viên cũng giúp sân bay này trở thành một trong những sân bay "xanh" nhất thế giới, theo các kiến trúc sư Foster + Partners.
Với cảm hứng từ thiết kế truyền thống của Campuchia, mái chính của nhà ga được nâng đỡ bởi một loạt cấu trúc dạng "cây" gỗ (những cây thật cũng sẽ vươn lên qua một khoảng trống lớn tại trung tâm). Những hình ảnh kỹ thuật số cho thấy lớp vỏ thép lưới của công trình lọc ánh sáng tự nhiên và chiếu sáng cho không gian nội thất tràn ngập cây xanh nhiệt đới, còn hành khách sẽ di chuyển đến các cổng qua hai cánh vòm có hình dáng giống cánh máy bay.
Nhà Ga South Station, Boston
Tòa tháp South Station mọc lên từ trung tâm giao thông lịch sử của Boston.
Dự án mở rộng Ga South Station tại Boston, trung tâm giao thông bận rộn nhất tại New England, Mỹ sẽ hoàn thành trong năm nay. Sau khi hoàn tất, công suất của bến xe buýt tại nhà ga sẽ tăng lên 50%, trong khi công suất đường sắt sẽ không thay đổi.
Về mặt kiến trúc, thử thách mà công ty kiến trúc Mỹ Pelli Clarke & Partners phải đối mặt không chỉ là tái thiết kế khu sảnh chính của nhà ga và xây dựng một tòa nhà chọc trời cao 51 tầng phía trên, mà còn phải gìn giữ được phong cách Tân cổ điển nguyên bản. Tòa nhà này, đã tồn tại vững chãi từ năm 1899, hiện được liệt kê trong Danh mục Di tích Lịch sử Quốc gia của Mỹ.
Hình dáng mềm mại mang đậm tính điêu khắc của tòa tháp hướng đến việc bổ sung và làm hài hòa với nhà ga lịch sử bên dưới. Khu sảnh uốn cong mở rộng mang đến cho du khách một lối vào hoành tráng hơn khi đến với thành phố.
Viện Goethe, Dakar, Senegal
Hình ảnh diễn hoạ của viện Goethe-Institut tại thủ đô Dakar của Senegal.
Francis Kéré, người châu Phi đầu tiên đạt Giải Pritzker, giải thưởng được mệnh danh là "Nobel của kiến trúc", đang sử dụng danh tiếng toàn cầu của mình để kiến thiết môi trường xây dựng tại chính mảnh đất quê hương.
Kiến trúc sư người Burkina Faso này từ lâu đã ủng hộ mạnh mẽ cho thiết kế "văn hóa bản địa", tìm kiếm các vật liệu xây dựng và kỹ thuật xây dựng truyền thống. Và chiến lược ông áp dụng cho công trình mới của viện Goethe - trung tâm giao lưu văn hóa Đức, tại Senegal, là một ví dụ điển hình.
Tòa nhà rộng 1699m2 với những đường cong nhẹ nhàng được thiết kế để phản ánh hình dáng của những tán cây xung quanh. Công trình chủ yếu được xây dựng từ gạch địa phương, làm từ đất nén và xếp thành các kết cấu lưới, tạo khả năng thông gió tự nhiên.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNN vào năm 2022, Kéré đã giải thích tầm quan trọng của việc sử dụng vật liệu địa phương, ông nói: "Càng sử dụng nhiều... bạn càng có thể thúc đẩy nền kinh tế địa phương và kiến thức địa phương, điều đó sẽ làm người dân tự hào".
Tháp thung lũng Urban Glen, Hàng Châu, Trung Quốc
Hai khối nhà của Urban Glen hướng trũng xuống ở giữa tựa một thung lũng.
Hơn một thập kỷ sau khi trụ sở CCTV ở Bắc Kinh mở cửa và trở thành công trình đương đại nổi tiếng nhất của Trung Quốc, người đồng thiết kế Ole Scheeren tiếp tục để lại dấu ấn tại quốc gia này. Văn phòng kiến trúc của ông, Büro Ole Scheeren, hiện đang thực hiện các dự án lớn tại nhiều thành phố Trung Quốc, từ Thâm Quyến đến Ninh Ba.
Một trong những công trình nổi bật nhất là Urban Glen, 2 khối tháp với các bậc thang ấn tượng có diện tích gần 84.000m2 gồm không gian văn phòng, khách sạn và khu vực giải trí tại thành phố Hàng Châu thuộc phía Đông. Giống như những ngọn đồi bao quanh thành phố từ ba phía, hai khối tháp, với một trong số đó là địa điểm của khách sạn Rosewood, mang hướng trũng dần xuống và tạo nên một thung lũng nhân tạo với sân thượng, cửa hiệu và không gian nghệ thuật công cộng.
Dự án metro Riyadh, Ả Rập Xê-út
Ảnh diễn hoạ của nhà ga Qasr Al Hokm sắp đi vào khánh thành.
Trong những năm 2020, Ả Rập Xê Út đã công bố hàng loạt dự án kiến trúc quy mô lớn, phần lớn mang tính phô trương, từ một thành phố mới được xây dựng theo hình dọc đến một tòa nhà chọc trời hình lập phương với tham vọng trở thành một trong những công trình xây dựng lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, kế hoạch thiết yếu dành cho thủ đô Riyadh là xây dựng một hệ thống tàu điện ngầm đã được lên kế hoạch từ hơn một thập kỷ trước.
Với sáu tuyến đường, mạng lưới rộng lớn này dự kiến sẽ thay đổi cách thức vận hành của thành phố, với công suất hàng ngày lên đến 3,6 triệu hành khách. Trên mặt đất, các nhà ga trở thành những kỳ quan thị giác. Zaha Hadid Architects và công ty kiến trúc Đức Gerber Architekten là những cái tên nổi tiếng được mời thiết kế một số trong tổng số 85 nhà ga.
Trung tâm tài chính Skypark Business Center, Luxembourg
Skypark Business Center sẽ được khai trương trên một khu đất liền kề với Sân bay Luxembourg. BIG
Châu Âu tiếp tục khai phá tiềm năng của các kiến trúc từ gỗ, điển hình với việc Pháp hiện yêu cầu tất cả các công trình công cộng mới phải sử dụng ít nhất 50% gỗ. Trong khi đó, Luxembourg, quốc gia láng giềng, sắp chào đón một trong những công trình kiến trúc gỗ lớn nhất châu lục cho đến nay: Trung tâm tài chính Skypark.
Với diện tích sàn lên tới hơn 79.000m2, tòa nhà được xây dựng bằng hơn 15000m khối gỗ - đủ để lấp đầy sáu bể bơi tiêu chuẩn Olympic. Mặt tiền bằng đồng được làm từ 80% kim loại tái chế.
Với những cạnh mềm mại và hình dạng độc đáo, cấu trúc của tòa nhà có thể được hình dung như hai dải zig-zag đan chéo nhau dọc theo khu đất. Các giao điểm của chúng tạo ra một chuỗi các sân trong và không gian mái. Trong đó, các cư dân của tòa nhà sẽ luôn ở gần một sân thượng xanh trong bán kính 50m, theo các kiến trúc sư của BIG.
Giai đoạn đầu của dự án sẽ hoàn thành vào tháng Hai, chủ yếu bao gồm không gian văn phòng, bên cạnh các cửa hàng và khách sạn. Tuy nhiên, các sân trong tầng trệt sẽ bắt đầu mở cửa cho khách bộ hành và cả những người yêu thích máy bay, khi họ có thể thưởng thức cảnh quan sân bay Luxembourg liền kề.
Cầu Danjiang Bridge, Taipei, Đài Loan
Hình ảnh 3D cầu Danjiang sẽ khánh thành vào năm nay.
Trong gần chín năm qua, công ty của cố kiến trúc sư Zaha Hadid đã tiếp tục di sản của bà, sản xuất hàng chục thiết kế mới phản ánh triết lý và phong cách của một kiến trúc sư được mệnh danh là “Nữ hoàng của đường cong”. Cầu Danjiang ở Đài Loan, được công bố khởi công vào năm 2015 — năm trước khi Hadid qua đời — là một trong những dự án cuối cùng mà bà đã trực tiếp tham gia giám sát.
Công trình dài hơn 900m này sẽ kết nối bốn tuyến cao tốc lớn qua cửa sông Tamsui, con sông chảy qua thủ đô Đài Bắc của Đài Loan. Cầu mang thiết kế độc đáo với hình dáng mảnh mai, với toàn bộ cấu trúc được nâng đỡ chỉ bởi một trụ bê tông duy nhất. Khi hoàn thành vào cuối năm nay, nó sẽ trở thành cây cầu cáp đối xứng một trụ dài nhất thế giới.
Đây là một minh chứng cho thẩm mỹ độc đáo của kiến trúc sư Hadid, với những đường cong mềm mại và hình dáng nhẹ nhàng uốn lượn của cầu vẫn mang đậm dấu ấn di sản của bà.
Biên tập: Hoàng Anh | Nguồn: Edition